Văn hóa - Giải trí
Cập nhật: 18h15 - 07/09/2012
Diêm Điền - quê hương cách mạng
Cập nhật: 18h15 - 07/09/2012
Là trung tâm của xã An Ninh Tây (Tuy An), thôn Diêm Điền vừa có núi, sông và đồng ruộng. Trong thời kỳ chống Pháp, thôn có gần 500 hộ và gần 1.200 người, chủ yếu sống bằng nghề nông và chăn nuôi.

Đây là nơi đầu tiên Trường Chính trị tỉnh đứng chân, đào tạo nhiều cán bộ cốt cán của tỉnh, Trung ương, như: Huỳnh Văn Lan, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Võ Văn Khả, Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên…; là điểm dừng chân của cán bộ miền Nam ra Bắc nhận vũ khí cho chiến trường miền Nam trong những năm 1946 - 1947, trong đó có bà Nguyễn Thị Định, ông Phạm Văn Bạch, ông Trần Đình Tri nên tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và hun đúc tinh thần cách mạng trong các tầng lớp nhân dân nơi đây. Trong suốt chiều dài lịch sử chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc, thôn Diêm Điền luôn là thành đồng vững chắc khiến kẻ thù phải khiếp sợ…

Thời đó, thôn Diêm Điền có xóm Bột, xóm Thanh, xóm Triêm, xóm Mới, Thạnh Phú và nhà thờ Mằng Lăng (bây giờ nhà thờ Mằng Lăng thuộc xã An Thạch). Ỷ thế đông và được trang bị vũ khí hiện đại, địch đã chiếm nhà thờ Mằng Lăng và xóm Bột. Tại nhà thờ này, có cả một trung đội ngụy chiếm đóng, chúng đặt một bộ máy kìm kẹp để dễ bề kiểm soát. Ngay tại núi Sơn Chà, bọn chúng đặt một vọng gác nhằm khống chế cả khu vực. Chỉ một thôn nhỏ như Diêm Điền, nhưng luôn trong tình trạng hai chiến tuyến, giành giật nhau từng tấc đất. Trong thời kỳ này, thôn Diêm Điền là “tuyến lửa” của xã An Ninh, vì vậy lúc đó mỗi ngày có tới hàng chục trận chống càn của du kích thôn. Mỗi lần đi càn, địch phải dùng cả phi pháo, máy bay yểm trợ nhưng chúng cũng không làm gì được. Tên Ấp trưởng xóm Bột lúc đó cũng không thể hiểu được vì sao mỗi lần bọn chúng càn đều phải nhận lấy thất bại thảm hại. Trong hồi ức của mình, cựu chiến binh Trần Doãn Phu nhớ như in từng bờ tre, ụ đất trong hệ thống giao thông hào của 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ông bảo nhờ giao thông hào mà chỉ một đội du kích của thôn dám chống trả cả một hệ thống ngụy quyền tay sai, kiên quyết không cho chúng vào làng. Đặc biệt trong chiến dịch Átlăng, bọn địch đã sử dụng nhiều phi pháo, máy bay, thuyền chiến từ cửa biển Tiên Châu câu pháo vào làng nhưng du kích thôn và nhân dân Diêm Điền vẫn anh dũng bám trụ chống trả bảo vệ xóm làng. Tại núi Sơn Chà, du kích thôn diệt gọn vọng gác, hạ cờ ba que của ngụy và treo cờ cách mạng. Trong khí thế cách mạng đang lên cao, chi bộ thôn đã họp bàn cách bắt tên Ấp trưởng xóm Bột là tên đầu sỏ có nhiều nợ máu với cách mạng, để trừ hậu họa. Chi bộ thôn Diêm Điền đã vận động được một số người trong nội bộ địch làm nội gián cho ta. Sau nhiều lần theo dõi và nắm chắc được giờ giấc sinh hoạt của hắn, chi bộ đã cử một tiểu đội du kích đi bắt tên này. Đầu tháng 5/1954 tên ác ôn Ấp trưởng xóm Bột đã bị tiêu diệt trong lúc đang nằm nghỉ sau một trận càn tại xóm Bột. Từ đó hệ thống ngụy quân, ngụy quyền bị tan rã, xóm Bột được giải phóng. Thôn Diêm Điền là một trong những nơi cướp chính quyền đầu tiên của huyện Tuy An, góp sức lớn trong thành tích chung của tỉnh trong chiến dịch Átlăng.

Để có được chiến tích vẻ vang đó, không thể không nói đến công lao to lớn của các chị, các mẹ trong thôn đã không quản ngại hy sinh, khó nhọc lo lắng từng bữa ăn, nước uống cho đội du kích canh giữ vùng giáp ranh. Có nhiều chị là thành viên tham gia trong đội du kích, tối vẫn bảo đảm canh gác nhưng ban ngày đi vận động bà con góp lương thực, thực phẩm nuôi quân.

Trong thời kỳ chống Mỹ, thôn Diêm Điền cũng là nơi diễn ra những trận càn ác liệt, nhưng nhân dân địa phương vẫn kiên cường chiến đấu, giữ vững trận địa chốt tiền tiêu của xã An Ninh Tây. Trong vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh nhiều con em của thôn Diêm Điền đã anh dũng hy sinh.

Chiến tranh đã lùi xa, người dân thôn Diêm Điền sống trong cảnh thanh bình; cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát. Diêm Điền vẫn luôn giữ vững là thôn dẫn đầu về nhiều mặt của xã An Ninh Tây…

Cùng chuyên mục